Lễ ăn hỏi chính là lời hứa hôn cực kì quan trọng giữa hai gia đình, về việc đồng ý cho 2 con được kết duyên vợ chồng. Chính vì thế ở miền Bắc lễ ăn hỏi rất được xem trọng.
Lễ ăn hỏi ở miền Bắc gồm có những gì?
Ở miền Bắc, trước khi lễ cưới diễn ra bắt buộc phải trả qua các nghi thức bao gồm: dạm ngõ, ăn hỏi và cuối cùng là lễ cưới.
Dạm ngõ là lần đầu tiên nhà trai đến chơi nhà gái và nhà gái đến chơi nhà trai để biết nhà cửa và xin cho 2 con được tìm hiểu nhau. Sau khi dạm ngõ là đến thời điểm quyết định bàn bạc cho lễ ăn hỏi.
Lễ ăn hỏi là ngày nhà trai mang lễ vật sang nhà gái để xin cưới cô gái của nhà gái. Sau lễ ăn hỏi thì cặp đôi cũng đã chính thức được công nhận là vợ chồng của nhau.
Thời điểm và địa điểm tổ chức lễ ăn hỏi
Thủ tục ăn hỏi ở miền Bắc thường được tổ chức không xa so với đám cưới, thường cách 1 tuần đến 1 tháng, một số gia đình do khoảng cách vị trí nhà trai đến nhà gái xa thì có thể kết hợp ăn hỏi và ngày cưới cùng một ngày luôn để tiết kiệm chi phí.
Lễ ăn hỏi được tổ chức tại nhà của cô dâu, gia đình chú rể sẽ mang lễ vật tới.
Lễ vật ăn hỏi gồm những gì?
Thông thường việc chuẩn bị thủ tục lễ ăn hỏi miền Bắc còn tùy thuộc vào từng gia đình. Về cơ bản, các lễ vật cố định như trầu cau, bánh kẹo, chè thuốc... là không thể thiếu, bên cạnh đó các lễ vật khác sẽ do nhà trai chuẩn bị.
Số tráp lễ ở miền Bắc thường được lấy theo con số lẻ: 3-5-7-9-11… con số này sẽ được thống nhất giữa hai bên gia đình hoặc do nhà trai quyết định sau đó thông báo số lượng với nhà gái để bên nhà gái chuẩn bị đội đỡ tráp nữ cho tương xứng.
Các thủ tục cần làm trong ngày ăn hỏi ở miền Bắc
Có lẽ đây là phần mà nhiều người lưu tâm nhất, bởi lẽ phần lễ nghi cực kì quan trọng, nếu bạn lỡ làm sai một điều gì đó chắc chắn sẽ để lại ấn tượng không tốt trong mắt của nhà gái.
Sau khi nhà trai di chuyển tới nhà gái thì đội hình đi ăn hỏi sẽ được sắp xếp theo thứ tự đầu tiên là những người lớn tuổi có vai vế đi trước, tiếp đến là bố mẹ, chú rể, bạn bè người thân khác và đội bê lễ nam.
Khi đi vào cổng nhà gái cũng sẽ sắp xếp đội hình tương tự, tuy nhiên cô dâu lúc này không được ra đón khách mà phải ở trong phòng.
Sau màn chào hỏi và nhận lễ xong thì đại diện nhà trai nhà gái lần lượt phát biểu, trò chuyện với nhau để hiểu nhau hơn và gắn kết tình cảm giữa hai bên gia đình.
Cô dâu sẽ ở trong phòng cho đến khi bố mẹ cho phép chú rể và dẫn ra để thắp hương tổ tiên.
Sau khi thắp hương xong thì cô dâu chú rể bắt đầu đi mời trà ông bà, bố mẹ và những người có mặt tại lễ ăn hỏi của mình.
Khi lễ ăn hỏi kết thúc, nhà gái sẽ chia lại một phần lễ vật, gọi là lễ lại quả cho nhà trai. Một lưu ý khi chia lễ vật là phải dùng tay để tách, không dùng dao.
Các bạn thân mến, trên đây là một số chia sẻ về thủ tục ăn hỏi đám cưới miền Bắc. Hi vọng các bạn nam đang chuẩn bị cưới vợ miền Bắc sẽ không còn băn khoăn nữa.